Thời gian qua, tình trạng khách hàng bị các ngân hàng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ diễn ra ngày càng nhiều. Mặc dù khách hàng đã không ít lần phản ánh đến báo chí và cơ quan chức năng, và mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp, quy định chấn chỉnh; tuy nhiên, tình trạng “bán bia kèm lạc” vẫn diễn ra đâu đó ở các ngân hàng…
Trong phạm vi bài viết này, tác giả không mổ xẻ lại lý do vì sao các ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Từ thực tế công tác, người viết khuyến nghị khách hàng có thể sử dụng các cách thức sau để không vướng vào câu chuyện bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm.
Thứ nhất, khi được mời mua bảo hiểm nhân thọ, nếu thật sự không có nhu cầu, để tránh bẫy “lãi suất ưu đãi” hoặc “để duyệt hồ sơ nhanh” khi vay vốn tại ngân hàng, khách hàng nên trình bày bản thân và gia đình đã tham gia BHNT. Thật ra, nếu bạn đã có hợp đồng BHNT thì cũng có thể khai báo kèm vào hồ sơ vay vốn để ngân hàng nắm thông tin. Còn nếu chưa có thì cũng không ngân hàng nào có thể bắt buộc bạn phải chứng minh đã mua BHNT rồi hay chưa. Ngoài ra, theo quy định thẩm định tài chính trong ngành BHNT, các công ty BHNT chỉ bán tối đa 10 – 15% thu nhập của gia đình/năm. Vì vậy, dù muốn hay không, các ngân hàng cũng không thể “ép” khách hàng mua quá khả năng thu nhập của gia đình họ được để tránh trường hợp ngân hàng “phán” mức mua bảo hiểm căn cứ theo số tiền được vay.
Thứ hai, nếu khi bạn nhận tiền giải ngân, ngân hàng trích thu lại tiền phí BHNT hoặc phát hành cho bạn thẻ tín dụng rồi yêu cầu bạn cà thẻ để mua BHNT thì đều không đúng quy định. Và khi đó, khách hàng có quyền thông báo với lãnh đạo ngân hàng rằng chính ngân hàng đang làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, trong quá trình làm việc với cán bộ tín dụng; cán bộ thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay của bạn,…thì bạn nên khéo léo thu thập bằng chứng hoặc ghi âm các lời “ép buộc” mua BHNT đại loại như: “nếu không mua BHNT thì sếp em không duyệt hồ sơ”, “nếu không mua BHNT thì…thì…” và các kiểu câu đề nghị tương tự như thế. Sau đó, bạn có thể báo cáo sự việc bị “ép” mua BHNT về Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Và chỉ có những khách hàng “quả cảm” như bạn, Ngân hàng Nhà nước mới có cơ sở xử lý nghiêm các trường hợp ngân hàng vi phạm. Vì khách hàng ca thán đã nhiều, nhưng ít có trường hợp nào đủ bằng chứng chứng minh việc mình bị ngân hàng “ép”. Mà hầu hết trên các chứng từ tham gia BHNT tại ngân hàng đều thể hiện khách hàng hoàn toàn “tự nguyện”.
Thứ tư, nếu hồ sơ pháp lý của bạn tốt, tài sản đảm bảo phù hợp, bạn không nhất thiết phải chọn các ngân hàng “sát thủ” về BHNT để vay. Vì khi đó, bạn có rất nhiều lựa chọn, không nhất thiết phải chọn một ngân hàng chuyên “bán bia kèm lạc” như thế. Trên thực tế, các ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank, Vietcombank,…sẽ ít khi “ép” khách hàng mua BHNT. Mặc dù Vietcombank vẫn có bán BHNT của FWD, nhưng trên thực tế với trải nghiệm của nhiều khách hàng, Vietcombank thật sự chưa đến độ “ép” khốc liệt như các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Thứ năm, trong trường hợp bất khả dĩ, bạn không thể chọn một ngân hàng khác để vay vốn (có thể do hồ sơ pháp lý yếu, giá trị tài sản đảm bảo, khả năng chứng minh thu nhập thấp,..) thì bạn cũng không quá lo lắng. Khi đó, khách hàng hoàn toàn an tâm tham gia BHNT mặc dù bị “ép” đi chăng nữa. Bạn cứ để hồ sơ, thủ tục xong xuôi và việc giải ngân hoàn tất. Sau khi giải ngân một vài ngày, khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng hủy hồ sơ tham gia BHNT để nhận lại toàn bộ số tiền phí đã nộp. Vì tất cả hợp đồng BHNT đều có quy định 21 ngày cân nhắc để khách hàng tham khảo và suy nghĩ. Trong 21 ngày kể từ ngày nhận hợp đồng, khách hàng có thể hủy hợp đồng mà không bị mất bất kỳ chi phí nào (ngoại trừ chi phí khám sức khỏe nếu có).
Sau cùng, thật ra việc khách hàng tham gia BHNT tại ngân hàng cũng là một điều tốt. Tuy nhiên, hợp đồng BHNT là một quá trình lâu dài nên phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của khách hàng chứ không phải vì lợi nhuận của các nhà băng. Và việc phải dùng các biện pháp để không bị ngân hàng “ép” mua BHNT như trên cũng việc chẳng đặng đừng. Đã đến lúc khách hàng phải biết tự bảo vệ mình, dám mạnh mẽ đấu tranh với hành vi sai trái của ngân hàng khi bị “ép”. Và không ai khác, chính các ngân hàng hãy bán BHNT một cách văn minh hơn.